Nhà phố đẹp trên khu phố cũ

 Trong những năm gần đây, khái niệm kiến trúc sư, khái niệm tư vấn thiết kế không còn xa lạ nữa. Rất nhiều “ngôi nhà mới” có chất lượng ra đời trong bối cảnh như vậy. “Ngôi nhà mới” trong bài viết này giới hạn phạm vi nhà đất ở gia đình được thực hiện với một cách thức, quy trình có những nét khác nhiều so với những ngôi nhà trước kia.

Một căn nhà phố mới xây luôn nổi bật hơn trên khu phố cũ
Kiến trúc sư: người quyết định

  Nói tới nhà ở ai cũng có thể hình dung ra như thế nào, ai cũng hiểu nó có những cái gì, thậm chí rất nhiều người không phải kiến trúc sư cũng thiết kế được. Tuy nhiên, ai hiểu được bản chất của kiến trúc, hiểu được văn hoá, xã hội liên quan đến thể loại công trình luôn bị xếp vào hạng nhỏ này, mới thấy và hiểu làm nhà ở không hề dễ. Trước kia, anh kiến trúc sư nào không ngồi ở công ty lớn, không có những công trình “hoành tráng” có thể bị giới đồng nghiệp hay người ngoài đánh giá thấp là “kiến trúc sư vẽ nhà dân”! Tình hình giờ đã đổi khác nhiều. Kiến trúc sư hoàn toàn có thể “lớn” trong công trình nhỏ. Kiến trúc là như vậy. Chỉ trong một ngôi nhà thôi đã có bao nhiêu chuyện để bàn, và không bao giờ lặp lại, không thể nhà này giống với nhà kia, nơi này với nơi khác. Nhà ở vẫn là thể loại phong phú và đa dạng nhất.


*Tips: Một vài ý tưởng Thiết kế nội thất chung cư mang phong cánh hiện đại

Số lượng kiến trúc sư
 làm nhà ở chuyên nghiệp ngày càng tăng. Có nhiều lý do. Có thể là số lượng kiến trúc sư trẻ (sau khi được đào tạo ở các trường và tốt nghiệp) tăng lên, mà khi mới ra trường thì làm nhà ở là dễ kiếm việc và vừa sức. Có thể do thị trường cầu nhiều thì ắt có cung. Thực tế cho thấy khá nhiều kiến trúc sư đã bỏ nhiều cơ quan nhà nước mang tính quản lý hành chính, để thâm nhập vào thị trường sôi động của nhà ở. Các văn phòng tư vấn, công ty kiến trúc nhà ở của các kiến trúc sư trẻ mọc lên rất nhiều và giải thể cũng không ít. Điều đó phần nào nói lên sự cạnh tranh khốc liệt và không hề đơn giản của lĩnh vực này. Nhưng trong số đó, có những người, những đơn vị đã trở thành nhà chuyên nghiệp thực sự. Họ đi sâu vào nghiên cứu, phát triển cả chuyên môn và định hướng kinh doanh theo thể loại công trình nhà ở tư nhân. Những kiến trúc sư này đa phần là người trẻ, năng động. Họ ưa công nghệ, thích ứng dụng những công nghệ, vật liệu mới cho kiến trúc. Họ có thể chối bỏ quyết liệt những kiến trúc cổ điển, kiến trúc thuộc địa đối với nhà ở; đi theo trường phái hiện đại. Họ biết cách tìm kiếm và sàng lọc những chủ nhà phù hợp để làm khách hàng của mình, biết cách sử dụng tiền của chủ nhà để tạo tác phẩm cho chính mình.


  * Tips: Thiết kế ý tưởng đẹp với Kiến Trúc Phố

Những kiến trúc sư mới như trên cũng là những người rất thực tế. Tất cả những ý tưởng có bay bổng lãng mạn thì cũng phải gắn bó, quan hệ chặt chẽ với những yếu tố khác; không thể điên rồ đến vô lý. Họ cũng thực tế ở ngay cả nội dung công việc và thời gian. Vẽ là một chuyện, mà từ bản vẽ để thành nhà lại là chuyện khác. Phần lớn kiến trúc sư ngoài thời gian làm thiết kế ở văn phòng đều phải dành thời gian cho cả công trường, trong số đó có người trực tiếp điều hành, chỉ huy, quản lý hay giám sát việc thi công.

Để có một “ngôi nhà mới” chất lượng, vai trò của kiến trúc sư là quan trọng hàng đầu – tất nhiên vẫn sau chủ nhà. Cùng với chủ nhà, kiến trúc sư đã khởi tạo được một quy trình làm việc chuyên nghiệp đầy tích cực. Ở đó hai bên đều tin tưởng nhau và làm đúng phận sự, trách nhiệm của mình.



Căn nhà cố tình khoe những nét độc đáo và có phần "dị thường" ra bên ngoài. Nhiều công trình kiểu này sẽ góp phần làm cho khu phố ngày càng trở nên lộn xộn và loạn phong cách

Thi công

Nếu như “chủ nhà mới” và “kiến trúc sư mới” đã tạo thành một cặp khởi đầu khá thuận lợi, thì vấn đề thi công lại không được như vậy, như thể một bước hẫng. Trong lĩnh vực xây dựng nhà ở tư nhân, hiện không có nhiều các đơn vị thi công chuyên nghiệp và thiếu vắng người quản lý chuyên nghiệp. Các công ty xây dựng lớn thì lại không làm nhà dân. Nhiều chủ nhà đều làm theo cách truyền thống là gọi mỗi đội thợ mỗi nơi rồi tự quản lý, số khác không có thời gian thì giao khoán cho một ai đó. Nhưng người được giao khoán này thường chỉ phụ trách một vài hạng mục và không có kiến thức tổng quan để có thể quản lý, điều phối thi công tốt. Một ngôi nhà hiện nay đòi hỏi rất nhiều hạng mục với vật liệu và kỹ thuật thi công khác nhau. Tất nhiên những hạng mục truyền thống như nề, điện, cấp thoát nước… là không thể thiếu. Nhưng cũng có nhiều hạng mục mới với hình thức, tính chất rất đa dạng, phức tạp; đòi hỏi tính chính xác và kỹ thuật cao như kính (làm vách, làm cửa, ốp tường, làm lan can, làm sàn, bậc thang…), hay hệ thống thông tin, hệ thống điều khiển thông minh… Tuy mỗi hạng mục đều có đội thi công riêng nhưng phải cần có một người quản lý thi công ở tầm tổng thể để phối hợp, điều hành công việc.


  * Tips: Thiết kế nhà phố nhỏ 5x13m với đường nét phóng khoáng

Để chất lượng thi công tốt, cho ra một sản phẩm tốt thì bên cạnh tay nghề của người thợ, chất lượng vật tư, vật liệu thi công..., còn phụ thuộc rất nhiều vào quy trình thi công. Quy trình thi công hiểu một cách đơn giản là thứ tự công việc được sắp xếp khoa học, trong mỗi hạng mục làm đúng các bước, đúng yêu cầu kỹ thuật. Mỗi đội thợ khi triển khai tại công trường thường chỉ nắm được công việc của mình, không biết rõ mối liên quan tới các hạng mục khác, khu vực khác, bộ phận khác… Việc mình, mình làm cho xong, không quan tâm là phải làm sau cái gì, làm trước cái gì... Ví dụ như phải làm xong hệ thống điện, điều hoà, ống kỹ thuật trên trần, kiểm tra đảm bảo rồi mới được đóng trần; hay mặt cầu thang gỗ, sàn gỗ là hạng mục làm sau cùng, để tránh bị rủi ro do thi công những phần khác gây ảnh hưởng bề mặt… Nếu làm lẫn lộn trước sau hay chồng chéo công việc, thì kết quả không bao giờ tốt. Thậm chí điều này có thể để lại nhiều hậu quả thật lớn, không chỉ là vấn đề kỹ thuật, thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng cả tới vấn đề kinh tế, tiến độ công trình.

Chính vì những lý do trên, nên có một thực tế như phần trên đã nói: kiến trúc sư phải “xông” ra công trường, thậm chí nhận thầu thi công. Vì hơn ai hết họ là người hiểu rõ thiết kế, hiểu rõ vật liệu sử dụng. Ở những hạng mục khó, hạng mục đặc biệt, họ đã tìm hiểu và được tư vấn bởi chính những nhà cung cấp vật liệu, thiết bị chuyên ngành. Kiến trúc sư là người nắm được quy trình thi công, nắm được nội dung công việc một cách tổng thể nhất. Việc ra công trường của kiến trúc sư cũng có hai mặt: họ sẽ làm tốt hơn cho công trình, thực tế cũng giúp họ nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ trợ ngược lại cho thiết kế. Nhưng ở mặt khác, nó cũng lấy đi quá nhiều thời gian của họ, mà bản chất công việc của kiến trúc sư là thiết kế và sáng tạo.


Một căn biệt thự phố đang trong quá trình gấp rút thi công dịp cuối năm

Công nghệ, trang thiết bị và vật liệu

Công nghệ, trang thiết bị và vật liệu mới có ảnh hưởng rất lớn và góp phần tạo nên ngôi nhà mới. Tất cả chuyển động nhanh đến chóng mặt mà đối với kiến trúc sư, việc cập nhật kiến thức và thông tin là hết sức cần thiết nếu không muốn bị tụt hậu, không muốn bị “đổi ngôi” trong quá trình tư vấn với khách hàng. Nếu như không có một tư duy tốt, một hướng đi đúng từ ban đầu, thì cả chủ nhà lẫn kiến trúc sư sẽ bị hoa mắt trong thế giới trang thiết bị và vật liệu này.

Nhiều hạng mục cũ, nguyên lý cũ nhưng cách thức thi công và vật liệu đã thay đổi. Ví dụ như ống nhựa hàn nhiệt cấp nước đã thay thế cho ống kẽm; hệ thống điện luồn ống cứng (đi dây rút sau) đã thay cho cách chôn dây trực tiếp vào tường; cửa nhôm, cửa thép, cửa nhựa đã thay thế dần cho cửa gỗ truyền thống. Có những loại vật liệu dù không mới nhưng nhờ công nghệ mới đã phát huy ưu điểm và trở nên rất đa năng, ví dụ như kính. Kính cường lực (kính tempered/ tempered glass) có thể làm vách thay tường, làm cửa, làm mái, làm sàn, làm lan can, làm bậc thang… Có những hệ thống thiết bị tiện nghi hơn như cabin tắm có hệ thống vòi massage, vòi chậu rửa cảm ứng… Rồi thì các hệ thống thiết bị khác có thể kể cả ngày không hết như hệ thống thông tin, hệ thống âm thanh, hệ thống điều hoà không khí, hệ thống báo cháy - chữa cháy, hệ thống giám sát bảo vệ… Ở mức cao hơn nữa là cơ chế điều khiển từ xa, điều khiển tự động được lập trình cho các hệ thống trên của ngôi nhà; vẫn được gọi là hệ thống “nhà thông minh”.

Các thiết bị mang tính cục bộ trong nhà cũng rất phong phú và đa dạng, liên tục thay đổi, phát triển và điều đó trực tiếp ảnh hưởng, chi phối đến kiến trúc, nội thất. Từ bếp gas âm bàn, máy hút mùi, tủ lạnh trong hệ thống bếp; tới tivi, dàn nghe nhạc ở phòng khách. Một chiếc tủ lạnh hai cánh side-by-side có thể phải tách rời hệ thống tủ bếp bởi kích thước của nó. Một chiếc tivi LCD cho phép kệ đặt nó mỏng hơn rất nhiều với tivi kiểu cũ, có thể không cần kệ nữa mà treo lên tường.
Công nghệ, trang thiết bị và vật liệu mới, hiện đại không thể thay thế được kiến trúc, nhưng đã góp phần tạo nên diện mạo mới của kiến trúc.


Kết luận

Những “ngôi nhà mới” ngày được mọc lên nhiều, ở khắp nơi. Nó được khởi nguồn từ những chủ nhân mới, và đi cùng những kiến trúc sư với thiết kế mới; những quy trình, cách thức làm việc chuyên nghiệp. Điều đó là đáng mừng! Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, những ngôi nhà mới này vẫn đang… lẩn khuất đâu đó – theo đúng nghĩa đen. Tức là chúng không được tập hợp lại, hay có một vị trí tương xứng ở nơi được quy hoạch tốt. Tất cả hình thành và tồn tại rải rác theo kiểu “tốt lỏi”, hay nói cách khác là “nhà đẹp – phố xấu”. Một công trình trong đô thị không thể tách rời khỏi cảnh quan và hình thái của đô thị. Mong rằng những ngôi nhà mới trong tương lai sẽ góp phần làm đẹp hơn cho bức tranh tổng thể!

Post a Comment

Previous Post Next Post